Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Trình bày bài thuyết trình đồ án

Để các em chuẩn bị tốt cho việc báo cáo đồ án môn học cũng như bảo vệ đồ án tốt nghiệp, thầy viết một vài gợi ý trong quá trình chuẩn bị và thuyết trình.
Bài thuyết trình đồ án nhằm truyền tải những thông tin cô đọng về kết quả công việc đã đạt được tương ứng với nhiệm vụ được giao. Người nghe chính của bài thuyết trình là các thầy, cô giáo có chuyên môn về vấn đề mà các em báo cáo do đó thường quan tâm đến phương pháp thực hiện. Các thầy, cô sẽ đánh giá các em  qua sự hiểu biết sâu sắc về vấn đề và khối lượng công việc đã đạt được.
Việc trình bày bài thuyết trình thường được giới hạn trong một thời gian nhất định khoảng 10 đến 15 phút, trước các nhà chuyên môn có khả năng phát hiện những lỗ hổng kiến thức hoặc lập luận thiếu logic do đó thường tạo một áp lực cho sinh viên. Việc chuẩn bị tốt cho bài thuyết trình sẽ giúp các em tự tin khi trình bày.
1. Cấu trúc bài thuyết trình:
Phần tiêu đề:
        Slide tiêu đề giới thiệu tên đồ án, họ tên sinh viên và giáo viên hướng dẫn.
Đặt vấn đề:
        Slide đặt vấn đề: nêu nhiệm vụ của đồ án (vấn đề cần giải quyết, mục tiêu cần đạt được), các giải pháp đã được thực hiện và ưu nhược điểm, ý nghĩa mang lại khi giải quyết đồ án (về lý thuyết, kỹ năng, ứng dụng v.v.)
Phương pháp:
        Trình bày cách thức giải quyết vấn đề
Kết quả:
         Các kết quả mà đồ án đã đạt được là gì? Kết quả có thể trình bày dưới dạng sơ đồ nguyên lý, biểu đồ, hình ảnh
Thảo luận:
        Giải thích, bàn luận về các kết quả
        Trình bày những ưu, khuyết điểm của đồ án
        Gợi ý những công việc tiếp theo để phát triển đồ án
Tài liệu tham khảo:
        Trình bày một vài tài liệu tham khảo chính của đồ án
Cảm ơn:
        Cảm ơn những người giúp đỡ hoàn thành đồ án và người nghe
2. Thiết kế slide
Một slide bao gồm hình nền, chữ viết, hình ảnh và biểu đồ. Một slide đẹp là slide kết hợp hài hòa giữa màu sắc, bố cục, hình ảnh.
Hình nền: là hình ảnh chủ đạo lặp đi lặp lại trên các slide. Cần chọn hình nền phù hợp với chủ đề của đồ án. Cần lựa chọn hình nền để có sự tương phản tốt với màu chữ. Có hai cách lựa chọn, nền tối chữ sáng hoặc ngược lại. Chữ màu vàng hoặc trắng trên nền màu xanh đen được lựa chọn phổ biến. Một số kết hợp màu sắc chữ và màu nền không phù hợp như chữ màu đỏ trên nền xanh lá sẽ không hiển thị tốt.
Chữ: khi thiết kế slide cần cân nhắc về kích thước, font chữ và màu sắc. Kích thước font chữ nên nằm trong khoảng 20-44pt. Nên chọn kiểu font chữ đơn giản, gọn gàng không có chân như Arial. Sử dụng font chữ, màu chữ nhất quán trong các slide. Không nên sử dụng quá nhiều màu sắc cho chữ (thông thường khoảng 3,4 màu).
Nội dung: không nên viết cả câu mà sử dụng các từ khóa, cụm từ trọng tâm. Trên một slide nên sử dụng ít chữ. Trên một slide không nên viết quá 5 gạch đầu dòng, mỗi gạch đầu dòng tối đa 2 dòng.
Cần kiểm tra chính tả cẩn thận để tránh cảm giác rằng người trình bầy cẩu thả, không chuẩn bị tốt.
Hình ảnh: thông thường hình ảnh sẽ dễ nhớ và cũng truyền tải thông tin hiệu quả hơn. Đối với hình ảnh phức tạp nên phóng to chi tiết quan trọng để người nghe tập trung.
Tiêu đề cho slide: mỗi slide cần có một tiêu đề để người đọc nắm bắt được nội dung chính của slide. Các slide cùng nói về một nội dung thì có chung một tiêu đề. Font chữ của tiêu đề nên lớn hơn font chữ của nội dung. Không nên viết hoa toàn bộ tiêu đề sẽ gây khó đọc. Tiêu đề trên các slide được đặt ở cùng vị trí và có cùng màu sắc.
Nhấn mạnh: có thể dùng chữ in đậm, màu sắc khác, gạch chân để nhấn mạnh. Tuy nhiên nên tránh dùng quá nhiều màu sắc hoặc màu sắc sặc sỡ trên một slide.
Hoạt hình: sử dụng để giải thích hoạt động động của hệ thống. Tránh sử dụng để thu hút sự tập trung gây cảm giác thiếu nghiêm túc và mất thời gian.
3. Trình chiếu
Sử dụng phím tắt: khi thuyết trình không nên làm mất thời gian của người nghe do những thao tác lóng ngóng.  Sử dụng thành thạo một số phím tắt làm cho bài thuyết trình hiệu quả hơn.
Một số phím tắt khi sử dụng trình chiếu bằng PowerPoint:
- F5: mở màn hình trình chiếu
- Ctrl-P: sử dụng con trỏ như một bút màu để đánh dấu hoặc đánh dấu những vùng quan trọng
- E: xóa vùng đánh dấu
- Nhấn số trang rồi nhấn Enter để đến số slide vừa nhập
Giao tiếp bằng mắt: luôn hướng ánh mắt về phía người nghe. Tránh đọc slide và quay lưng về phía người nghe.
Giọng nói: điều chỉnh tốc độ, âm lượng, tránh giọng đều đều, giúp người nghe tập trung. Nói với tốc độ vừa phải, rõ ràng, tự tin, dứt khoát.
Ngôn ngữ cơ thể: mỉm cười biểu thị sự thân thiện, tạo sự gần gũi với người nghe. Hai tay có thể di chuyển bổ trợ cho ý nghĩa của câu nói. Tránh khoanh tay trước ngực, đút hai tay vào túi quần gây cảm giác thiếu sự tôn trọng đối với người nghe.
4. Trả lời câu hỏi
Lắng nghe toàn bộ câu hỏi trước khi trả lời.
Khi trả lời có thể lặp lại câu hỏi hoặc làm rõ nghĩa câu hỏi giúp kiểm tra lại có hiểu chính xác ý của người hỏi không.
Tham khảo thêm
Cách trình bày slide: http://nguyenvantuan.net/english/1281-ki-nang-trinh-bay-cach-soan-powerpoint-slide
Cách nói trong hội nghị khoa học: http://nguyenvantuan.net/english/1289-ki-nang-trinh-bay-cach-noi-trong-hoi-nghi-khoa-hoc